Tiêm chủng Covid-19 là một công cụ quan trọng để giúp ngăn chặn đại dịch COVID-19. Có bao nhiêu loại vắc-xin Covid-19? Hiệu quả phòng bệnh ra sao? Vắc-xin Covid-19 có an toàn không? Giá vắc-xin Covid-19 như thế nào?… đang là thắc mắc của hàng triệu người.
Thông tin về vắc-xin Covid-19 sẽ được EduPath tổng hợp chi tiết trong bài viết dưới đây.
Vắc-xin Covid-19 hiện nay được sản xuất theo công nghệ nào?
Các loại vắc-xin Covid-19 hiện tại đang được sản xuất theo 3 cơ chế: mRNA, vắc-xin protein và vắc-xin virus biến đổi.
Vắc-xin mRNA: Vaccine đưa phân tử RNA được tổng hợp vào tế bào của cơ thể. Cơ thể được nhận vaccine, vừa tạo kháng nguyên (protein của virus), vừa tạo đáp ứng miễn dịch chống lại protein này (kháng thể + đáp ứng tế bào).
Vắc-xin virus biến đổi: Vắc xin được sản xuất bằng cách sử dụng một loại virus đã được biến đổi (vector) để vận chuyển mã di truyền cho kháng nguyên. Khi vắc xin tiêm vào trong cơ thể, nó sẽ kích thích cơ thể tạo ra một lượng lớn kháng nguyên.
Vắc-xin protein: Vắc xin này bao gồm các mảnh protein tinh khiết của virus Sars-Cov-2. Sau khi tiêm vắc xin vào cơ thể, hệ miễn dịch ghi nhận rằng protein này là “kẻ xâm nhập” và phản ứng miễn dịch tạo ra kháng thể. Đồng thời, vắc xin giúp tế bào ghi nhớ nhận diện tác nhân gây bệnh, tiến hành tiêu diệt chúng nếu bị tấn công trong tương lai.
Các loại vắc-xin Covid phổ biến hiện nay
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đe dọa sức khỏe và tính mạng của hàng triệu người dân toàn thế giới, các nhà khoa học đang nỗ lực chạy đua với thời gian, để có thể sớm ra đời loại vắc-xin an toàn và hiệu quả, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, có 4 loại vắc xin phòng Covid-19 phổ biến nhất đang được tiến hành tiêm chủng diện rộng trên thế giới hiện nay là: Moderna, Pfizer-BioNTech, AstraZeneca và Janssen/Johnson&Johnson. Trong đó, AstraZeneca là loại vắc-xin Covid-19 đang được triển khai tiêm chủng rộng rãi tại Việt Nam từ đầu năm 2021, và sắp tới sẽ là Pfizer, theo thông tin từ Bộ Y tế.
Bảng: So sánh các loại vắc-xin Covid-19 phổ biến trên thế giới
Tên vắc-xin | Nhà sản xuất | Loại vắc-xin | Cần tiêm bao nhiêu mũi? | Ai có thể tiêm vắc-xin này? | Hiệu quả phòng bệnh |
Pfizer-BioNTech | Pfizer-BioNTech (Đức – Mỹ) | mRNA | 2 mũi
Được thực hiện cách nhau 3 tuần (21 ngày) |
Người 12 tuổi trở lên | 95% |
Moderna | Moderna (Mỹ) | mRNA | 2 mũi
Được thực hiện cách nhau 4 tuần (28 ngày) |
Người 18 tuổi trở lên | 94.1% |
AstraZeneca | Đại học Oxford -AstraZeneca (Anh) | Vi-rút biến đổi | 2 mũi
Được thực hiện cách nhau 4 – 12 tuần |
Người 18 tuổi trở lên | 82% |
Janssen/Johnson & Johnson | Johnson & Johnson (Mỹ) | Vi-rút biến đổi | 1 mũi | Người 18 tuổi trở lên | 66.3% |
Nguồn: Tổng hợp từ CDC Hoa Kỳ, Thông tin Chính phủ Anh, AstraZeneca
Vắc xin Covid-19 Pfizer-BioNtech
Cách đây một năm, Pfizer là một trong nhiều công ty dược trên thế giới chạy đua phát triển vắc xin ngừa Covid-19. Đến nay, sản phẩm vắc xin dùng công nghệ mRNA do Pfizer hợp tác với BioNTech của Đức là một trong những loại vắc xin hiệu quả cao nhất và được dùng rộng rãi.
Thông tin chung về vắc-xin Pfizer
- Hãng sản xuất: Pfizer, Inc. và BioNTech
- Loại vắc-xin: mRNA
- Số mũi tiêm: 2 mũi, cách nhau 21 ngày
Vắc-xin Pfizer dành cho ai?
Vắc-xin của Pfizer-BioNTech được khuyên dùng cho người từ 12 tuổi trở lên.
Vắc-xin Pfizer có hiệu quả không?
Theo CDC Hoa Kỳ, dựa trên bằng chứng từ các thử nghiệm lâm sàng ở người từ 16 tuổi trở lên, vắc-xin Pfizer-BioNTech đạt hiệu quả 95% trong việc phòng Covid-19 ở người chưa từng nhiễm Covid.
Trong các thử nghiệm lâm sàng, vắc-xin của Pfizer-BioNTech cũng có hiệu quả tốt trong phòng ngừa Covid-19 đã được phòng thí nghiệm xác nhận ở thiếu niên từ 12-15 tuổi.
Vắc-xin Pfizer có an toàn không?
Trong các thử nghiệm lâm sàng, các triệu chứng phản ứng bất lợi (tác dụng phụ xảy ra trong vòng 7 ngày sau khi chủng ngừa) là chuyện bình thường nhưng phần lớn là từ nhẹ tới trung bình.
Các tác dụng phụ (như sốt, ớn lạnh, mệt mỏi và đau đầu) khắp cơ thể là chuyện thường xảy ra sau khi tiêm mũi thứ hai.
Các tác dụng phụ phổ biến nhất từ nhẹ tới trung bình. Số người có phản ứng gây ảnh hưởng đến khả năng sinh hoạt hàng ngày là tương đối ít.
Vắc xin Covid-19 Moderna
Vắc-xin Covid-19 Moderna do công ty Moderna (Mỹ) nghiên cứu và phát triển, sử dụng công nghệ mRNA để tạo ra miễn dịch với virus SARS – CoV-2.
Thông tin chung về vắc-xin Moderna
- Hãng sản xuất: ModernaTX, Inc.
- Loại vắc-xin: mRNA
- Số mũi tiêm: 2 mũi, cách nhau 28 ngày
Vắc-xin Moderna dành cho ai?
Vắc-xin của Moderna được khuyên dùng cho người từ 18 tuổi trở lên.
Vắc-xin Moderna có hiệu quả không?
Theo CDC Hoa Kỳ, dựa vào bằng chứng từ các thử nghiệm lâm sàng, ở những người từ 18 tuổi trở lên, vắc-xin Moderna đạt hiệu quả 94,1% trong việc phòng ngừa lây nhiễm Covid-19. Mức hiệu quả này đã được phòng thí nghiệm xác nhận ở những người đã tiêm hai liều và chưa từng nhiễm Covid trước đó.
Vắc-xin cũng có hiệu quả cao trong các thử nghiệm lâm sàng giúp ngăn ngừa Covid-19 ở những người ở nhiều độ tuổi, giới tính, chủng tộc và dân tộc cũng như những người có sẵn bệnh nền.
Vắc-xin Moderna có an toàn không?
Các tác dụng trên toàn bộ cơ thể như sốt, ớn lạnh, mệt mỏi và đau đầu phổ biến hơn sau liều tiêm thứ 2. Tuy nhiên, các triệu chứng này thường có mức độ từ nhẹ đến trung bình và các triệu chứng thường cải thiện sau khoảng 2 – 3 ngày sau tiêm vắc-xin.
Các phản ứng không mong muốn thường gặp nhất bao gồm:
- Đau vị trí tiêm (92.0%)
- Mệt mỏi (70.0%)
- Đau đầu (64.7%)
- Đau cơ, khớp (~ 50%)
- Nôn, buồn nôn (23.0%)
- Sốt (15.5%)
Tỷ lệ xảy ra phản ứng sốc phản vệ (nguy cơ đe dọa tính mạng) sau tiêm vắc-xin được ghi nhận là 2.8 ca/1 triệu liều.
Vắc xin Covid-19 Astrazeneca
Vắc-xin AstraZeneca là loại vaccine phòng SARS-CoV-2 được đồng phát triển bởi Đại học Oxford và Hãng dược nổi tiếng thế giới – AstraZeneca (Vương quốc Anh). Vắc xin COVID-19 của AstraZeneca đã được Bộ Y tế cấp phép có điều kiện cho nhu cầu cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam.
Thông tin chung về vắc-xin Astrazeneca
- Hãng sản xuất: AstraZeneca
- Loại vắc-xin: vi-rút biến đổi
- Số mũi tiêm: 2 mũi, cách nhau 28 ngày
Vắc-xin Astrazeneca dành cho ai?
Vắc-xin của Astrazeneca chỉ được phép sử dụng cho người từ 18 tuổi trở lên.
Vắc-xin Astrazeneca có hiệu quả không?
Theo kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III ở Vương quốc Anh, Brazil và Nam Phi được công bố trên tạp chí The Lancet, vắc-xin AstraZeneca được xác nhận là an toàn và hiệu quả trong việc ngăn ngừa Covid-19. Kết quả cho thấy hiệu quả của vắc xin là 76% sau liều đầu tiên. Sau khi tiêm đủ 2 liều, hiệu quả của vắc xin tăng lên 82% ở người chưa từng nhiễm virus trước đó.
Không có trường hợp nặng hay nhập viện xảy ra sau 22 ngày sau liều đầu tiên.
Ngoài ra, thời điểm vắc-xin đạt hiệu quả bảo vệ tốt nhất là 2 tuần sau khi bạn tiêm liều thứ 2.
Vắc-xin Astrazeneca có an toàn không?
Giống như một số loại vắc xin khác, sau tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca có thể gặp một số phản ứng phổ biến như:
- Phản ứng tại chỗ tiêm: Nổi ban đỏ, chai cứng, sưng, ngứa, đỏ tại chỗ tiêm.
- Một số phản ứng toàn thân khác: Sốt, mệt mỏi, ớn lạnh, đau đầu, đau cơ hoặc đau khớp, buồn ngủ, giảm cảm giác thèm ăn, nôn mửa, tiêu chảy.
Theo trang thông tin của Chính phủ Vương quốc Anh, trong các nghiên cứu lâm sàng, hầu hết các phản ứng phụ của vắc-xin có tính chất nhẹ đến trung bình và hết trong vòng vài ngày đến một tuần sau khi tiêm chủng. Nếu các tác dụng phụ như đau và/hoặc sốt gây khó chịu, bạn có thể dùng thuốc có chứa paracetamol.
Vắc xin Covid-19 Janssen/Johnson & Johnson
Vắc xin phòng Covid-19 của công ty Johnson & Johnson sử dụng công nghệ vi-rút biến đổi (vector vaccine) và chỉ gồm 1 liều tiêm.
Vắc xin phòng Covid-19 của Johnson & Johnson được chỉ định tiêm cho người lớn từ 18 tuổi trở lên để tạo miễn dịch chủ động phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra.
Trong các thử nghiệm lâm sàng, các tác dụng phụ thường xuất hiện trong 7 ngày sau khi tiêm chủng nhưng hầu hết là ở mức độ nhẹ đến trung bình. Tác dụng phụ thường xuất hiện phổ biến hơn ở những người ở độ tuổi 18-59 so với những người từ 60 tuổi trở lên.
Theo CDC Hoa Kỳ, vắc-xin ngừa Covid-19 của J&J/Janssen đạt hiệu quả 66.3% trong các thử nghiệm lâm sàng trong phòng ngừa bệnh Covid-19 ở người chưa từng nhiễm virus trước đó.
Những ai không nên tiêm vắc-xin?
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, những trường hợp đủ điều kiện tiêm chủng là những người trong độ tuổi tiêm chủng theo khuyến cáo trong hướng dẫn sử dụng vắc xin của nhà sản xuất và không quá mẫn với hoạt chất hoặc với bất kỳ tá dược nào liệt kê trong thành phần của vắc-xin.
Trong khi đó, có rất ít người không thể tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19. Theo CDC Hoa Kỳ, KHÔNG tiêm vắc-xin với:
- Người có phản ứng dị ứng nghiêm trọng (sốc phản vệ) hoặc phản ứng dị ứng tức thì, dù không nghiêm trọng, với bất kỳ thành phần nào của vắc-xin (như polyethylene glycol).
- Người có phản ứng dị ứng nghiêm trọng hoặc tức thì sau khi tiêm liều đầu tiên của vắc-xin phòng Covid-19, thì bạn không nên tiêm liều thứ hai của cả hai loại vắc-xin ngừa COVID-19 mRNA.
Trong đó, phản ứng dị ứng nghiêm trọng là khi một người cần được điều trị bằng epinephrine hoặc EpiPen© hoặc nếu họ cần phải được chăm sóc y tế. Phản ứng dị ứng tức thì có nghĩa là phản ứng trong vòng 4 giờ kể từ khi tiêm, bao gồm các triệu chứng như phát ban, sưng tấy hoặc thở khò khè (suy hô hấp).
Ngoài ra, các trường hợp trì hoãn tiêm chủng theo hướng dẫn của Bộ Y tế còn bao gồm những người đang mắc bệnh cấp tính hoặc mãn tính đang tiến triển, chưa kiểm soát được. Ngoài ra, những người bị suy giảm khả năng đáp ứng miễn dịch nặng, ung thư giai đoạn cuối, xơ gan mất bù…
Ngoài ra, trong vòng 14 ngày trước có điều trị corticoid liều cao, hoặc điều trị hóa trị, xạ trị; đã mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng; phụ nữ mang thai và phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ cũng sẽ trì hoãn tiêm chủng.
Những câu hỏi liên quan đến vắc-xin phòng Covid-19
Tiêm phòng vắc-xin Covid-19 có tác dụng phụ không?
Việc tiêm chủng COVID-19 sẽ giúp bảo vệ mọi người khỏi COVID-19. Các tác dụng phụ này xảy ra trong vài ngày kể từ khi tiêm vắc-xin. Tác dụng phụ sau mũi tiêm thứ hai có thể nhiều hơn so với mũi tiêm đầu. Đó là dấu hiệu bình thường cho thấy cơ thể các bạn đang tạo hàng rào bảo vệ và sẽ biến mất trong vòng vài ngày. Trong khi đó, một số người không gặp tác dụng phụ.
Phản ứng phụ của vắc-xin Covid-19 thường xảy ra là gì?
Theo CDC Hoa Kỳ, những phản ứng phụ sau khi tiêm vắc-xin thường thấy như:
- Trên cánh tay nơi được tiêm: đau, mẩn đỏ và/hoặc sưng tấy
- Trên các phần còn lại của cơ thể: mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, ớn lạnh, sốt, buồn nôn
Nên làm gì nếu có những phản ứng phụ sau khi tiêm vắc-xin?
Để giảm đau và cảm giác khó chịu ở vị trí tiêm, bạn có thể chườm khăn lạnh lên khu vực đó hoặc tập thể dục nhẹ nhàng cho cánh tay. Nếu bạn bị sốt, hãy uống thật nhiều nước và mặc quần áo thoáng mát để giảm cảm giác khó chịu.
Nếu có tác dụng phụ, bạn nên nghỉ ngơi cho đến khi cảm thấy khỏe hơn. Bạn có thể dùng thuốc giảm đau, như paracetamol, nếu cần.
Khi nào thì cần liên hệ bác sĩ?
Trong hầu hết các trường hợp, sự khó chịu do đau hoặc sốt là dấu hiệu bình thường cho thấy cơ thể quý vị đang tạo hàng rào bảo vệ. Hãy liên hệ với bác sĩ hoặc phòng khám, trạm y tế nếu:
- Nếu tình trạng mẩn đỏ hoặc bị đau ở vị trí tiêm tồi tệ hơn sau 24 giờ;
- Triệu chứng trở nên tồi tệ hoặc cảm thấy lo lắng;
- Sưng hạch hơn 10 ngày;
- Khi có các triệu chứng bất thường và kéo dài, như sốt cao hơn 4 ngày.
Nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào sau đây từ khoảng 4 ngày đến 4 tuần sau khi tiêm, bạn nên liên hệ với bác sĩ ngay lập tức:
- Bầm tím ở chỗ khác với vị trí đã từng tiêm;
- Khó thở, đau ngực, phù chân hoặc đau bụng kéo dài;
- Cơn đau đầu dữ dội mới xuất hiện nhưng không đỡ khi dùng thuốc giảm đau thông thường hoặc ngày càng trầm trọng hơn;
- Đau đầu hơn khi nằm xuống hoặc cúi xuống, hoặc kèm theo mờ mắt, buồn nôn và nôn ói, khó nói, yếu ớt, lơ mơ hoặc co giật.
Vắc-xin Covid-19 có hiệu quả không?
Theo CDC Hoa Kỳ, các vắc-xin Covid-19 có hiệu quả, giúp bảo vệ mọi người và chống sự lây lan của vi-rút SARS-COV2. Các loại vắc-xin Covid-19 giúp làm giảm số trường hợp bị biến chứng nặng do mắc bệnh, giảm số người phải nhập viện điều trị do bệnh nhẹ và giảm nguy cơ tử vong, như đã được chứng minh trong các thử nghiệm lâm sàng.
Tuy nhiên, một số người đã được tiêm phòng Covid-19 đầy đủ vẫn sẽ mắc bệnh do không có vắc-xin nào có hiệu quả 100%. Để được bảo vệ tối ưu nhất, mọi người nên tiêm tất cả liều được khuyến nghị của các nhà sản xuất vắc-xin Covid-19.
*Lưu ý:
Cơ thể mỗi người đều cần có thời gian để tạo hàng rào bảo vệ sau bất kỳ việc tiêm chủng nào. Phải mất 2 tuần sau khi tiêm liều thứ 2 để đạt hiệu quả bảo vệ tốt nhất bởi vắc-xin. Vậy nên, trong thời gian chờ 2 tuần này, mọi người vẫn nên tiếp tục duy trì các biện pháp bảo vệ bản thân và người khác.
Vắc-xin Covid-19 có an toàn không?
Các vắc-xin Covid-19 không phải là vắc-xin thử nghiệm. Chúng đã trải qua tất cả các giai đoạn bắt buộc của thử nghiệm lâm sàng. Thử nghiệm và giám sát diện rộng đã chứng minh rằng các vắc-xin này là an toàn và hiệu quả.
Vắc-xin Covid-19 nào tốt nhất hiện nay?
Vắc-xin COVID-19 tốt nhất là loại đầu tiên có sẵn cho mỗi người. CDC Hoa Kỳ khuyến nghị mọi người đừng chờ một loại vắc-xin cụ thể. Tất cả các loại vắc-xin ngừa COVID-19 hiện được cấp phép và khuyên dùng đều an toàn, hiệu quả và giảm nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng. CDC không khuyến nghị vắc-xin này tốt hơn vắc-xin kia. Mọi người nên tiêm vắc-xin COVID-19 ngay khi tới lượt.
Tiêm vắc-xin xong có bị nhiễm Covid lại không?
CÓ. Không phải tất cả mọi người đều đáp ứng với việc chủng ngừa giống như nhau. Với hầu hết các vắc xin, tỷ lệ bảo vệ không bao giờ là tuyệt đối 100%, vắc-xin Covid-19 cũng tương tự. Điều này gây ra do nhiều nguyên nhân:
- Do tiêm vắc xin không đúng lịch, tiêm không đủ mũi;
- Do hệ thống miễn dịch không đáp ứng tốt trong việc tạo kháng thể;
- Do người bệnh đã phơi nhiễm với tác nhân gây bệnh khi vừa mới tiêm vắc xin, hệ miễn dịch chưa kịp tạo ra kháng thể;
- Do các tác nhân khác.
Để vắc xin phát huy tối đa hiệu quả bảo vệ, phòng ngừa khỏi virus Sars-Cov-2, cần phải tiêm vắc xin đúng lịch, đủ mũi theo chỉ định của bác sĩ.
Giá vắc-xin Covid-19 như thế nào?
Hiện nay, nhiều quốc gia phát triển trên thế giới như Mỹ, Canada, Úc, Anh,… miễn phí tiêm vắc-xin phòng Covid cho toàn dân. Tuy nhiên, ở Việt Nam, vẫn chưa có thông tin chính thức về giá vắc-xin Covid-19.
Thông tin về vắc xin phòng Covid-19, cách đăng ký vắc xin sẽ được cập nhật liên tục tại website chính thức tại VNVC, đơn vị đầu tiên mang vaccine Covid-19 về Việt Nam. Đơn vị này cam kết giá vắc-xin Covid-19 rất hợp lý và ưu đãi để mọi đối tượng đều có cơ hội tiếp cận và sử dụng vắc-xin.
Mong rằng bài viết đã giải đáp những thắc mắc cơ bản của các bạn về việc tiêm phòng vắc-xin Covid-19. EduPath luôn đồng hành cùng quý phụ huynh, các em học sinh trên con đường chinh phục ước mơ, vươn ra thế giới, đặc biệt trong thời điểm dịch Covid-19 hiện nay. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về Du học Mỹ, Canada, Úc, LIÊN HỆ NGAY với EduPath để được tư vấn miễn phí nhé!
Nguồn tham khảo:
Astrazeneca (2021) COVID-19 Vaccine AstraZeneca confirms 100% protection against severe disease, hospitalisation and death in the primary analysis of Phase III trials. Truy cập tại: https://www.astrazeneca.com/media-centre/press-releases/2021/Covid-19-vaccine-astrazeneca-confirms-protection-against-severe-disease-hospitalisation-and-death-in-the-primary-analysis-of-phase-iii-trials.html
Bệnh viện FV (2021) Vắc xin Astrazeneca phòng Covid-19. Truy cập tại https://www.fvhospital.com/ban-can-biet/vac-xin-astrazeneca-phong-Covid-19/
Bộ Y tế (2021) Việt Nam sẽ nhận thêm khoảng 6 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca và Pfizer. Truy cập tại: https://moh.gov.vn/thong-tin-chi-dao-dieu-hanh/-/asset_publisher/DOHhlnDN87WZ/content/viet-nam-se-nhan-them-khoang-6-trieu-lieu-vac-xin-phong-covid-19-cua-astrazeneca-va-pfize
CDC Hoa Kỳ (2021) How they work? Truy cập tại: https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/vaccines/different-vaccines/how-they-work.html
CDC Hoa Kỳ (2021) Janssen. Truy cập tại: https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/vaccines/different-vaccines/janssen.html
CDC Hoa Kỳ (2021) Moderna. Truy cập tại: https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/vaccines/different-vaccines/Moderna.html
CDC Hoa Kỳ (2021) Pfizer-BioNTech. Truy cập tại: https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/vaccines/different-vaccines/Pfizer-BioNTech.html
CDC Hoa Kỳ (2021) Possible Side Effects. Truy cập tại: https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/vaccines/expect/after.html
GOV.UK (2021) Information for UK recipients on COVID-19 Vaccine AstraZeneca (Regulation 174) Truy cập tại: https://www.gov.uk/government/publications/regulatory-approval-of-covid-19-vaccine-astrazeneca/information-for-uk-recipients-on-covid-19-vaccine-astrazeneca
Tuổi Trẻ Online (2021) Những trường hợp nào đủ, không đủ điều kiện tiêm vắc xin COVID-19? Truy cập tại: https://tuoitre.vn/nhung-truong-hop-nao-du-khong-du-dieu-kien-tiem-vac-xin-covid-19-2021062010364724.htm
Vinmec (2021) Vắc-xin phòng Covid-19 Moderna: Những điều cần biết. Truy cập tại: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/vac-xin-phong-Covid-19-moderna-nhung-dieu-can-biet/?link_type=related_posts
VNVC (2021) Vaccine covid-19 (Corona): Loại nào hiệu quả & giá bao nhiêu? Truy cập tại: https://vnvc.vn/vaccine-covid-19/