Hội đồng tuyển sinh và xét học bổng của Mỹ không chỉ đánh giá năng lực ứng viên qua những con điểm khô khan hay chứng chỉ IELTS/SAT mà còn xem xét năng lực học sinh một cách toàn diện thông qua bài luận (https://edupath.org.vn/bai-luan-du-hoc-my/) và thư giới thiệu du học Mỹ.
Nếu bài luận cá nhân là kênh giao tiếp ‘định tính’, giúp bạn truyền đạt nguyện vọng và đam mê đến với hội đồng tuyển sinh thì thư giới thiệu là cái nhìn khách quan từ bên ngoài, góp phần giúp hội đồng tuyển sinh hiểu bạn hơn.
Vậy có thể nhờ ai viết thư giới thiệu và làm sao để thư giới thiệu trở thành tấm thẻ vàng khiến hồ sơ của bạn nổi bật? Cùng EduPath tìm hiểu chi tiết ngay bên dưới nhé!
Thư giới thiệu du học Mỹ là gì? Tại sao thư giới thiệu lại quan trọng?
Tìm hiểu về thư giới thiệu du học:
Thư giới thiệu du học Mỹ (recommendation letter) gồm những ý kiến khách quan và đáng tin cậy, được viết bởi người hiểu rõ bạn trên cả phương diện học tập lẫn tính cách. Thông thường, các trường Đại học tại Mỹ sẽ yêu cầu sinh viên nộp kèm thư giới thiệu với hồ sơ du học để xét tuyển. Đặc biệt nếu bạn muốn xin học bổng từ trường hoặc các tổ chức chính phủ-phi chính phủ thì thư giới thiệu là nhân tố không thể thiếu quyết định đến sự thành công.
Tại sao thư giới thiệu lại quan trọng đối với du học Mỹ như vậy?
Thực tế, không chỉ du học Mỹ mà khi bạn đã xác định sẽ đi du học, thư giới thiệu luôn là yếu tố quan trọng. Giữa 1000 đơn ứng tuyển được gửi đến, điểm số, chứng chỉ SAT/IELTS có thể tương đồng nhưng hẳn sẽ hiếm có trường hợp nào có 2 lá thư giới thiệu giống hệt nhau. Vì thế thư giới thiệu có thể giúp hồ sơ của bạn nổi bật và trở nên khác biệt.
Mục đích của thư giới thiệu là giúp hội đồng tuyển sinh thấy được bức tranh tổng quan về con người bạn, đồng thời xác nhận lại những gì được thể hiện trên bảng điểm, chứng chỉ và bài luận cá nhân. Qua bức thư giới thiệu, nhà tuyển sinh phần nào sẽ hiểu rõ hơn cá tính và năng lực của bạn không chỉ trong học tập mà còn trong đời sống, đặc biệt là các hoạt động ngoại khoá nữa.
Chính vì tầm quan trọng như vậy nên việc tạo ra một lá thư giới thiệu chất lượng không thể hoàn thành được chỉ sau một đêm mà là cả một quá trình chuẩn bị chi tiết. Băn khoăn đầu tiên của các bạn thường là nên nhờ ai viết thư giới thiệu sẽ hợp lý nhất?
Nên nhờ ai viết thư giới thiệu du học Mỹ?
Thư giới thiệu du học thường được viết bởi giáo viên, chủ nhiệm câu lạc bộ ngoại khoá, lãnh đạo trong công việc,… – hầu hết là những người có chuyên môn, có tầm ảnh hưởng và mối liên hệ chặt chẽ với bạn, có thể chứng thực khả năng và con người bạn.
EduPath tổng hợp một vài lưu ý về việc nhờ người viết thư giới thiệu du học Mỹ mà bạn nên cân nhắc:
- Người viết thư giới thiệu nên là người đã dạy bạn (Giáo viên, Giáo sư), hướng dẫn bạn (cấp trên, quản lý) hoặc tham gia hoạt động cùng bạn (chủ nhiệm câu lạc bộ)
- Người viết thư giới thiệu phải là người hiểu bạn, có cái nhìn chân thật và đúng đắn nhất về con người bạn
- Nếu chọn giáo viên, hãy chọn người biết rõ về năng lực của bạn. Hẳn nhiên việc xin thư giới thiệu từ người có tiếng tăm và chức vị cao như trưởng khoa, hiệu trưởng cũng rất tốt nhưng nếu có giáo viên/giảng viên trực tiếp dạy và đồng hành cùng bạn sẽ là hợp lý nhất
- Nếu chọn người đã làm việc cùng (công ty/hoạt động ngoại khóa), hãy chọn người đã đồng hành và làm việc cùng bạn trong thời gian dài, ít nhất 6 tháng trở lên
- Hãy xem xét kỹ yêu cầu của trường/học bổng: Có chỉ chấp nhận thư giới thiệu từ giáo viên học thuật, có trường yêu cầu 2 thư giới thiệu (1 từ giáo viên, 1 từ lãnh đạo công ty/hoạt động ngoại khoá)
Những điều cần lưu ý để có thư giới thiệu du học Mỹ sáng giá
Chọn đúng người thôi chưa đủ, để thư giới thiệu của bạn thật sự tạo ấn tượng với hội đồng tuyển sinh còn cần rất nhiều yếu tố khác:
- Để người viết thư có đủ thời gian: Nếu bạn muốn có một bức thư giới thiệu thật chỉn chu và hoàn hảo nhất, bạn nên nhờ người viết thư giới thiệu càng sớm càng tốt, không nên để đến gần hạn nộp mới nhờ. Nếu bạn đang học năm cuối trung học phổ thông và đã có ý định du học Mỹ, hay liên hệ sớm với giáo viên để bày tỏ nguyện vọng càng sớm càng tốt. Việc có nhiều thời gian có thể giúp người viết thư giới thiệu truyền tải được những câu chuyện thú vị mà bản thân bạn không ngờ tới
- Chia sẻ với người viết thư giới thiệu về tầm quan trọng của việc du học Mỹ: Hãy chia sẻ ước mơ và nguyện vọng của bạn với người được nhờ viết thư giới thiệu để họ hiểu và có thể giúp bạn kể câu chuyện một cách rõ ràng nhất
- Hãy thành thật về bản thân bạn: Hãy mạnh dạn chia sẻ điểm mạnh, điểm yếu của bạn với người viết thư giới thiệu. Ví dụ, kể cả khi giáo viên hiểu rõ về khả năng của bạn trên lớp, thầy cô cũng khó có thể biết về bạn trong những hoạt động ngoại khoá. Việc chia sẻ sẽ giúp người viết thư giới thiệu có cái nhìn tổng quan về bạn hơn
- Cung cấp thông tin về thời hạn nộp hồ sơ và mẫu đơn của từng trường: Một số trường thường yêu cầu mẫu đơn cho thư giới thiệu. Do đó, hãy kiểm tra kĩ các yêu cầu của trường để tránh sai sót. Bạn cũng cần cho người viết thư giới thiệu du học Mỹ biết hạn nộp hồ sơ của từng trường để họ dành thời gian đầu tư cho nội dung thư
- Không nên lặp lại những thông tin có trong hồ sơ ứng tuyển: Các thông tin về kết quả học tập GPA, điểm số, kết quả kỳ thi bạn đã nêu trong hồ sơ rồi thì không nên nhắc lại trong bức thư giới thiệu một lần nữa. Hãy gợi ý người viết thư nói nhiều hơn về tiềm năng phát triển và tính cách của bạn. Việc đưa ra những dẫn chứng cụ thể sẽ giúp bức thư có sức thuyết phục hơn đấy!
- Thư nên ghi rõ tên trường, chương trình học, học bổng ứng tuyển thay vì ghi chung chung
- Khi dịch thuật nên chú ý về mặt ngôn ngữ, đảm bảo diễn tả đủ ý
Bố cục thư giới thiệu du học Mỹ
Thư giới thiệu apply học bổng sẽ do người khác viết. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể thảo luận trước với họ về nội dung trong thư.
- Giới thiệu ngắn gọn về bản thân người giới thiệu, mối quan hệ của người viết thư và bạn, kinh nghiệm hoặc chuyên môn của người giới thiệu
- Tổng quan về điểm mạnh của bạn dưới trải nghiệm của người viết thư và chúng có gì liên quan đến người nhận (nhà tuyển sinh/ nhà trường)
- Câu chuyện/ví dụ cụ thể để làm nổi bật 1-2 điểm mạnh của bạn
- Tóm tắt bằng niềm tin và lý do bạn phù hợp với trường/học bổng
- Chữ ký bao gồm tên người viết thư và thông tin liên lạc (nếu dùng email nên để địa chỉ email của trường/cơ quản)
Mẫu thư giới thiệu du học Mỹ
Cùng Edupath tham khảo một vài mẫu thư giới thiệu dưới đây:
Mẫu 1
Mẫu 2
Giải đáp thắc mắc về thư giới thiệu du học Mỹ
Độ dài bức thư giới thiệu bao nhiêu là vừa ?
Thư giới thiệu du học Mỹ nên gói gọn từ 1 – 1,5 trang A4, tránh viết lan man quá nhiều. Thư quá dài sẽ khiến nhà tuyển sinh cảm thấy ngộp và mất đi tính chân thật vì thường người viết thư sẽ ít có thời gian viết quá dài.
Nên đính kèm bao nhiêu thư giới thiệu trong hồ sơ?
Yêu cầu về số lượng thư giới thiệu thường khác như giữa các trường và học bổng. Bạn nên tìm hiểu kỹ để tránh thiếu sót. Nếu trường không có yêu cầu gì cụ thể, chỉ yêu cầu thư giới thiệu thì thông thường, số lượng hợp lý nhất là 2 thư giới thiệu: 1 thư từ giáo viên về khả năng học tập và 1 thư từ lãnh đạo công ty hoặc người đồng hành cùng bạn trong hoạt động ngoại khoá.
Khi nào nên nhờ viết thư giới thiệu?
Bạn nên xin thư giới thiệu sớm trước thời hạn nộp đơn khoảng 2 tháng. Giáo viên, cố vấn và người viết thư giới thiệu cần có thời gian để giúp bạn có một bức thư hoàn hảo.
Có nên tự viết thư giới thiệu không?
Thông thường, thư giới thiệu được viết trực tiếp bởi thầy cô hoặc lãnh đạo là tốt nhất. Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp giáo viên hoặc giáo sư quá bận, không có thời gian để viết thư giúp bạn và để bạn viết thư sau đó ký tên.
Trong trường hợp này, bạn có thể tự viết thư giới thiệu và gửi cho giáo viên xem trước có cần chỉnh sửa gì không, sau đó mới in ra và nhờ giáo viên ký hoặc nhờ giáo viên gửi đến email trường. Cần lưu ý là giọng văn nên tự nhiên, tránh ‘tâng bốc’ quá mức làm mất đi tính chân thật.
Vậy thư giới thiệu có thật sự làm thay đổi kết quả du học?
Thực tế, thư giới thiệu chỉ là một trong nhiều yếu tố để hội đồng tuyển sinh xem xét hồ sơ của bạn nên bạn cần phải cân bằng mọi yêu cầu về hồ sơ để đảm bảo kết quả tốt nhất.
Trong nhiều trường hợp, khi thành tích học tập và hoạt động của bạn và một vài ‘đối thủ’ khác không có nhiều điểm khác biệt, bài luận cá nhân và thư giới thiệu sẽ là cứu cánh giúp bạn trở nên nổi bật hơn. Do đó, ngoài việc nâng cao thành tích và hoạt động năng nổ, đừng quên để tâm vào thư giới thiệu du học Mỹ nhé!
Nếu bạn còn điều gì thắc mắc, hãy để lại bình luận ngay bên dưới, EduPath sẽ nhanh chóng liên hệ giải đáp!